Xâm lược Đại Việt Triệu_Tiết

Chiến tranh Tống – Việt nổ ra (1076), có chiếu lấy Tiết làm An Nam hành doanh kinh lược, Chiêu thảo sứ, tổng thống 9 tướng quân đi đánh, lấy trung quan Lý Hiến làm phó. Tiết cùng Hiến nghị luận không hợp, bèn xin bãi Hiến. Tống Thần Tông hỏi ai có thể thay thế, Tiết cho rằng Quách Quỳ lão luyện việc biên thùy, tự nguyện làm trợ thủ; vì thế triều đình lấy Quỳ làm Tuyên phủ sứ, Tiết làm phó. Nhưng sau khi Quỳ đến, Tiết lại cùng Quỳ bất đồng ý kiến: Tiết muốn nhân lúc chưa động binh, phủ dụ tập hợp người Động ở Lưỡng Giang [7], dùng lợi ích dụ dỗ những kẻ tráng dũng, sai sứ giả chiêu nạp những kẻ hai lòng, phá hủy cơ sở của họ, về sau sẽ đưa đại quân đến "đánh dẹp", Quỳ không nghe; Tiết lại muốn sai người treo sắc bảng chiêu nạp ở nước Nam (tức chỉ Đại Việt), Quỳ lại không nghe. Trước đó Quỳ lệnh cho Yến Đạt phòng bị châu Quảng Nguyên, rồi lại điều ông ta về Vĩnh Bình; Tiết cho rằng Quảng Nguyên chỉ cách Kinh đô Thăng Long của Đại Việt khoảng chừng 12 trạm dịch [8], có thể tập kích, nên chia quân 3 lộ, thủy bộ cùng tiến, ắt đánh cho quân Nam tan vỡ; vì thế Tiết cố gắng tranh luận, nhưng vẫn không được.

Danh tướng nhà Lý (Đại Việt) là Lý Thường Kiệt chủ động lui quân phòng thủ sông Cầu. Quân Tống tiến đến bờ bắc, Tiết sai tướng, lại chia nhau đốn gỗ, chế tạo máy bắn đá. Khi tướng nhà LýHoằng Chân, Chiêu Văn tiến công trại của Quách Quỳ, bị quân Tống bắn chìm chiến hạm, tử trận, chết vài ngàn quân. Nhân lúc đó, Lý Thường Kiệt cho quân đánh úp trại Triệu Tiết, Đại Việt thắng lớn.[9] Cuối cùng quân Tống không thể vượt sông, chủ tướng Quách Quỳ chấp nhận giảng hòa, đưa quân trở về. Nhờ Quỳ nhận tội tự ý nghị hòa và chịu biếm chức, Tiết chỉ bị kết tội không lập tức dẹp giặc, giáng làm Trực Long Đồ các, Tri Quế Châu. Sau đó được trả lại hư hàm Thiên Chương các đãi chế, chức Quyền Tam tư sứ.